16/11/2024 13:51:08
Sau khi Bộ Xây dựng thôi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Chính phủ sẽ triển khai gói 120.000 tỷ đồng từ vốn của 4 ngân hàng thương mại.
Sau các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ đầu tháng 2 đến nay, có 2 giải pháp về các gói tín dụng được hé lộ. Đầu tiên là đề xuất của Bộ Xây dựng với gói khoảng 110.000 tỷ đồng (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây). Hai là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội được Ngân hàng Nhà nước thống nhất với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Chiều 2/3, Bộ Xây dựng cho biết sẽ không nghiên cứu tiếp gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đã đề nghị trước đó. Thay vào đó, bộ này cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Chia sẻ với VnExpress bên lề họp báo Chính phủ chiều 3/3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tới đây sẽ chỉ có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước đề xuất, từ vốn của 4 ngân hàng thương mại.
Về gói tín dụng này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, mỗi ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) sẽ dành 30.000 tỷ đồng cho vay với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trường hợp nếu có thêm ngân hàng thương mại khác tham gia, quy mô gói này sẽ tăng lên.
Mức lãi suất của gói tín dụng này thấp hơn mức lãi vay bình quân trên thị trường của các ngân hàng 1,5-2% với người xây dựng và mua nhà.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói thêm, ngoài lãi suất thấp hơn, sau này khi thực hiện các chính sách gỡ khó cho bất động sản sẽ có thêm một số chính sách khác, như miễn tiền sử dụng đất. Việc này nhằm ít nhất có 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ thị trường bất động sản để trình Chính phủ. Trên cơ sở này, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai gói tín dụng trên.
Một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần
Bất động sản - lĩnh vực đóng góp khoảng 11% GDP, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác - đang đối mặt nhiều khó khăn do vướng mắc về pháp lý, dòng tiền. Tại phiên họp Chính phủ cùng ngày, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, cần giải pháp kịp thời, không để gây tắc dòng vốn, niềm tin, tâm lý nhà đầu tư.
"Xử lý gỡ vướng cho bất động sản cũng để tránh lan truyền rủi ro đến hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau", ông Dũng lưu ý.
Quan điểm cần tháo gỡ cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cũng từng được lãnh đạo Chính phủ nêu tại các cuộc họp từ cuối năm ngoái đến nay. Tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc lại yêu cầu này.
Ông giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tháo gỡ vướng mắc với từng dự án bất động sản cụ thể. Bộ này cũng được yêu cầu sớm trình cấp có thẩm quyền đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp 2021-2030 trong tháng 3.
"Tinh thần các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được và điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục", Thủ tướng nói.
Về khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, lãnh đạo chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý, phù hợp kiểm soát lạm phát và giảm lãi suất thực chất.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên và các động lực tăng trưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và các thị trường nói chung.
Theo Anh Minh
https://vnexpress.net/