16/11/2024 13:51:08
Trong Luật Đất đai 2024 (hiệu lực từ 1/1/2025) đã được Quốc hội thông qua, điểm thay đổi mới nhận được nhiều sự chú ý là chi tiết mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Cụ thể, khoản 3 và khoản 6, Điều 4 về "Người sử dụng đất" quy định người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thị trường bất động sản "nóng" khi Việt kiều được mua nhà vào năm sau?
Ông Troy Griffiths - Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam - cho rằng, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản Việt kiều.
“Thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths nói.
Phân tích sâu hơn về chân dung nhóm người mua này, vị chuyên gia cho biết Savills đã có cơ hội hợp tác với nhiều với người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những điểm chính là hiện nay phần nhiều trong số họ đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định và cân nhắc đầu tư ở Việt Nam, thậm chí có thể tính đến việc quay trở về.
“Cũng cần lưu ý rằng có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, không chỉ những Việt kiều mà còn cả những người đang lao động tại nước ngoài. Điều này tạo ra một nguồn nhà đầu tư tiềm năng khổng lồ”, ông Troy phân tích.
Theo Phó giám đốc điều hành Savills, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã làm việc và học tập chăm chỉ, giờ đây họ có vốn và cũng mong muốn trở về quê hương.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng nguồn kiều hối kỷ lục 19 tỷ USD của năm 2022 đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.
“Từ số liệu trên có thể thấy đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra rằng vốn đó sẽ được sử dụng như thế nào khi về đến Việt Nam? Điều này khá thú vị vì nó có sự biến động đôi chút theo tỷ giá tiền tệ. Tất nhiên, nếu được gửi từ Mỹ, đồng USD mạnh đồng nghĩa với sức mua lớn hơn ở Việt Nam. Hầu hết kiều hối đến từ các nước châu Á thông qua người lao động. Không ít nguồn tiền này đã được chảy vào các bất động sản”, ông Troy phân tích.
Nhu cầu về kiều hối đối với lĩnh vực bất động sản đã được ghi nhận. Theo một thống kê từ 2016 của của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, khoảng 15-20% kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu tính toán nhanh, con số này tương đương với việc 10.000 căn hộ đã được tiêu thụ mỗi năm bởi kiều hồi.