16/11/2024 13:51:08
Sau 8 năm chờ đợi, người dân hai xã Phước Lộc, Phước Kiển, huyện Nhà Bè vui mừng khi cầu mới Phước Lộc cuối tháng 12 thông xe thay cầu sắt ọp ẹp, xuống cấp.
Sáng cuối tuần, hơn 60 công nhân hối hả thi công những hạng mục cuối cùng của cầu Phước Lộc, bắc qua rạch Cây Khô, nối xã Phước Lộc với Phước Kiển. Hai đầu cầu, 5 chiếc xe lu làm phẳng mặt đường thảm nhựa. Kế đó, hơn chục công nhân chạy máy cắt, đặt cẩn thận những viên đá lát ở lối đi bộ. Hàng lan can bằng sắt cao hơn một mét được lắp xong trên 2/3 chiều dài cầu. Hàng chục cột đèn đường được dựng sẵn, chuẩn bị hoàn tất hệ thống chiếu sáng. Đường dẫn dưới dạ cầu đang được các công nhân đổ nhựa, cải tạo hệ thống hố ga thoát nước. Nhịp độ trên công trường rất khẩn trương.
Đi trên cầu tạm Phước Lộc kế bên cầu mới, ông Huỳnh Phương (55 tuổi, ngụ ấp 2 xã Phước Lộc) không giấu được niềm vui vì không bao lâu nữa sẽ thoát cảnh thấp thỏm lo âu khi đi trên chiếc cầu sắt cũ kỹ, chật chội. Vốn là vùng kênh rạch, trước đây dân hai xã Phước Lộc, Phước Kiểng muốn qua lại với nhau phải lụy đò. Chỉ cách chừng 15 km nhưng thiếu cầu khiến giao thương của người dân xã Phước Lộc lên trung tâm thành phố bị cách trở.
Hơn 25 năm trước, cầu tạm bằng sắt được xây dựng, nhưng sau vài năm sử dụng bị xuống cấp. Mặt cầu rộng chỉ hơn 2 m chỉ đủ cho hai xe máy tránh nhau. Vào giờ cao điểm buổi sáng hay chiều muộn, lượng người qua lại nhiều làm cầu rung bần bật. 5 năm trước, ôtô bị cấm chạy để cầu đảm bảo an toàn. Những chiếc thùng sắt dựng giữa cầu làm "dải phân cách", chỉ có xe máy, người đi bộ được đi qua.
"Dù chỉ xe máy đi nhưng mỗi lần qua cầu ai cũng lo vì cảm thấy rất rõ cầu bị nhún", ông Phương nói và chia sẻ nhiều phụ nữ chở con nhỏ qua cầu va phải những chiếc thùng này ngã xuống đường. Người bị thương, chiếc thùng cũng hằn lên những vết đâm đụng, méo mó, gỉ sét.
Lo lắng của người dân tăng lên khi một trong năm trụ cầu bị hư hỏng, đơn vị thi công phải "băng bó" nhiều xà sắt xung quanh. Trải qua nhiều năm, những thanh xà hoen rỉ, mục nát. Chân cầu phía xã Phước Lộc bị sạt lở trong phạm vi 500 m, khiến cơ quan chức năng phải gắn biển cảnh báo. Dưới chân cầu, bêtông được đổ lên vị trí bị sạt lở và lưới sắt được giăng ra, bao bọc lại. Cầu sắt Phước Lộc luôn ẩn chứa nguy cơ sập. Nỗi mong chờ cây cầu mới của người dân càng bức thiết.
Dân hai xã vui mừng khi năm 2012, dự án cầu Phước Lộc chính thức thi công. Công trình nằm trên đường Đào Sư Tích, tổng chiều dài 710 m, trong đó cầu dài gần 400 m, rộng hơn 10 m cho hai làn xe cùng lề đi bộ, vốn đầu tư hơn 335 tỷ đồng. Nhưng làm hơn một năm, dự án vướng giải tỏa mặt bằng phải tạm dừng 6 năm trời. Cầu mới xây dở không bóng người, các trụ cầu chơ vơ, lồi cọng sắt rỉ sét, cỏ dại bò lên thành cầu. Sự chậm trễ nhiều năm khiến người dân đi qua cầu cũ nhìn sang cầu mới không khỏi buồn phiền.
Cũng vì mong sớm có cầu mới, nhiều gia đình chấp nhận một phần thiệt thòi để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Bà Nguyễn Thị Nga, ngụ ấp 3 xã Phước Kiển giao hơn 200 m đất cho dự án. Mỗi mét vuông đất bà được đền bù 8 triệu đồng. Số tiền không đủ cho bà mua đất chỗ mới. Sau nhiều lần thương thảo, bà đồng ý giải tỏa với phương án hoán đổi nền. Bà được đổi một nền đất diện tích tương tự ở xã Nhơn Đức, cách chỗ ở cũ hơn 3 km có giá trị cao hơn. Bà cùng chồng tìm cách xoay xở, vay mượn bù vào chỗ xây nhà còn thiếu để có nơi an cư mới.
"Mình chịu thiệt thòi chút đỉnh nhưng nhìn thấy cây cầu bề thế, khang trang, con cháu mình đi lại thuận tiện không còn cảnh nơm nớp khi đi qua cầu cũ nữa", bà Nga vui vẻ nói.
Công tác vận động giải tỏa, bồi thường ở dự án cầu Phước Lộc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Như trường hợp một hộ dân ở xã Phước Lộc có 6.000 m2 đất. Dự án mở rộng đường Nguyễn Bình, hộ này đã bàn giao 2.000 m2, sau này dự án cầu Phước Lộc ảnh hưởng thêm 4.000 m2. Ban đầu gia đình không đồng ý, nhưng chính quyền nhiều lần vận động cũng thuận tình. Tuy nhiên từ lúc họ đồng ý đến 3 năm sau vẫn chưa có giá bồi thường.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, tiến độ bồi thường của dự án chậm do việc giải phóng mặt bằng trải qua 3 giai đoạn thay đổi luật đất đai, dẫn đến vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành cây cầu, góp phần thay đổi bộ mặt địa phương, huyện Nhà Bè cử người đến tận nhà, tiếp xúc từng người vận động bàn giao mặt bằng, nói rõ lợi ích khi có cây cầu mới người dân đi lại đỡ vất vả, cực khổ.
Đến tháng 6 năm nay, sau khi giải phóng mặt bằng hơn 80 hộ dân, dự án mới đẩy nhanh thi công trở lại và tổ chức hợp long 4 tháng sau đó trong niềm vui của người dân hai bên bờ. Tiến độ chậm trễ khiến tổng vốn đầu tư xây cầu tăng lên 405 tỷ đồng. Theo ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, hiện cầu hoàn thành 95% khối lượng, dự kiến thông xe cuối tháng 12, hoàn thiện toàn bộ trước Tết Nguyên đán 2021.
Nói về ý nghĩa cây cầu mới, ông Võ Phan Lê Nguyễn cho biết cầu giúp việc đi lại, giao thương của người dân phía tây huyện, gồm toàn bộ xã Phước Lộc và một phần xã Phước Kiển thuận lợi hơn, dễ dàng đi lên trung tâm huyện. Cây cầu mới còn giúp phát triển giao thông trục đông tây, kết nối đường Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, từ Nhà Bè đi quận 8, Bình Chánh thuận lợi hơn... Đây cũng là công trình quan trọng trong xây dựng các tiêu chí để đưa Nhà Bè lên quận theo nghị quyết của huyện.
Hà An
Theo Vnexpress.net